2,5 năm qua, ngành thanh tra phát hiện nhiều vụ việc vi phạm kinh tế, ước tính hơn 337.300 tỷ đồng, trên 18.400 ha đất, chuyển hơn 1.000 vụ việc sang cơ quan điều tra.
Kết quả này được Chính phủ nêu trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/7 về giám sát chuyên đề, chất vấn lĩnh vực thanh tra.
Chính phủ cho hay trong 2,5 năm (2021-2022 và 6 tháng đầu năm 2023), gần 16.500 cuộc thanh tra hành chính, 355.000 kiểm tra chuyên ngành được thực hiện.
Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 337.300 tỷ đồng, trên 18.400 ha đất. Trong đó, cơ quan thanh tra kiến nghị thu hồi hơn 197.500 tỷ đồng và 1.400 ha đất từ các vụ việc vi phạm. Khoảng 1.090 vụ việc được chuyển cơ quan điều tra, làm rõ.
Về xử lý sau thanh tra, theo báo cáo của Chính phủ, cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 5.100 tỷ đồng, 663 ha đất và xử lý khác về kinh tế trên 1.000 tỷ.
Các cuộc thanh tra theo kế hoạch, hay đột xuất theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền được thực hiện nghiêm túc, theo đánh giá của Chính phủ. Việc này góp phần chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Ví dụ, ngành đã thanh tra việc quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh; về cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát, sỏi làm vật liệu san lấp, đắp nền đường) tại các địa phương cung cấp cho các dự án giao thông quan trọng quốc gia.
Sắp tới, Chính phủ cho biết sẽ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, kỷ luật, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra.
Cùng đó, ngành sẽ tăng giám sát, thẩm định và thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản do vi phạm. Cơ quan thanh tra sẽ cùng các bộ, ngành giải quyết tồn tại theo các kết luận thanh tra với các dự án đầu tư ở địa phương mà việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Việc này nhằm tránh thất thoát tài sản Nhà nước, doanh nghiệp nhất là nguồn lực đất đai, tài nguyên.